Tìm kiếm

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Chấn thương thể thao và phân tích nguyên nhân



            Chấn thương thể thao là những tổn thương do các hoạt động thể thao gây ra, dẫn đến sự giới hạn hay tạm ngừng khả năng tham gia các hoạt động thể thao của VĐV. Chấn thương có thể do đơn thuần hay lặp đi lặp lại của tình trạng quá tải.




Chấn thương thể thao rất nguy hiểm


          Do vậy, những chấn thương không liên quan đến các hoạt động thể thao thì không được gọi là chấn thương thể thao.

          Theo quy định của Hiệp hội Y học thể thao Hoa Kỳ, chấn thương thể thao mức độ nhẹ hồi phục sau 7 ngày, trung bình từ 7-21 ngày, nặng sau 21 ngày.

          Phân tích nguyên nhân gây ra chấn thương thể thao rất quan trọng để phòng tránh chấn thương có thể xảy ra. Sau đây là các nguyên nhân chính:

1.   Khởi động chưa đúng



Cần khởi động làm nóng cơ thể trước khi tập


Đây là nguyên nhân rất hay gặp, đặc biệt là người trẻ tuổi mới tập luyện, hay nôn nóng hoặc có ít thời gian tập luyện.

Thời gian khởi động quá ngắn không đủ để làm nóng cơ thể, các gân cơ chưa được căng dãn quá mức, máu chưa tới đủ để cung cấp cho buổi tập. Vì vậy, VĐV sẽ mau mệt mỏi và dễ tổn thương các gân cơ dây chằng.

Khởi động làm nóng không đủ các bộ phận cơ thể, ví dụ khởi động tay chân kỹ nhưng cột sống không khởi động, dễ dẫn đến các chấn thương cục bộ khi tập luyện, cơ thể kém linh hoạt.

Khởi động cần tiến hành tức các động tác đơn giản đến phức tạp để các nhóm cơ, gân được làm nóng đầy đủ.

2.   Kỹ thuật sai sót

Hầu hết các VĐV và người tập luyện đều có ít nhất 1 lần chấn thương trong đời sống thể thao do các sai sót về kỹ thuật, điều này đặc biệt nguy hiểm khi cơ thể phải chịu 1 lực rất nặng khi thực hiện động tác.




Các bài tập cần đúng ký thuật để tránh chấn thương


Các yếu tố cần lưu ý có thể gặp những sai sót :
Tư thế khởi phát
Hướng di chuyển
Tốc độ
Khối lượng tạ cho nhóm cơ
Khả năng và độ tuổi

Ví dụ: gánh tạ với tư thế cột sống gập quá mức hoặc bàn chân xoay ngoài quá mức…

3.   Tình trạng thể lực không tốt

Khi cơ thể có bệnh: ví dụ ảm, siêu vi, đau răng, đau dạ dày…mà VĐV cố tập luyện sẽ rất dễ chấn thương ngoài ý muốn (do phân tâm, sức chịu đựng cơ thể giảm sút so với bình thường)

4.   Quá tải

Đây là nguyên nhân rất hay gặp ở VĐV chuyên nghiệp hoặc người vận động với cường độ cao kéo dài.

Biểu hiện: mệt mỏi buổi sáng, lúc nghỉ nhịp tim vẫn tăng hơn bình thường, giảm sức tập luyện, mau mệt, sụt cân, đau các khớp và gân cơ đặc biệt sau buổi tập, đau đột ngột khi gắng sức (cấp tính).

Quá trình tập luyện cần có sự nghỉ ngơi để tái hồi phục năng lượng cơ bắp, đào thải độc tố do cơ thể tập luyện. Do vậy việc tập luyện kéo dài mà không có sự phục hồi tốt sau tập sẽ dẫn đến sự mệt mỏi cơ thể, lâu ngày sẽ dẫn đến các chấn thương là điều không thể tránh khỏi.

Do đó vai trò của thả lỏng và phục hồi sau tập là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra quá tải cấp tính cũng là nguyên nhân gây chấn thương do tăng lượng vận động quá nhanh.

5.   Chấn thương cũ chưa phục hồi hoàn toàn

Khi 1 chấn thương xảy ra thì việc điều trị chấn thương đó cần có 1 thời gian nhất định, việc trở lại tập quá sớm, với cường độ cao có thể tái phát chấn thương dễ dàng, làm chấn thương ngày càng trở nên nặng hơn mãn tính và có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đời sống thể thao.

Thực tế, người ta thường dựa vào tình trạng đau để đánh giá chấn thương, điều này hoàn toàn không đúng vì đau chỉ là 1 dấu hiệu chủ quan của cơ thể. Chỉ khi nào mô bị thương trở lại cấu trúc ban đầu và đủ sức chịu lực thì chấn thương mới thực sự khỏi hẳn. Do đó cần loại bỏ tư tưởng “hết đau là hết bệnh”.

6.   Dụng cụ bảo hộ, máy móc chưa phù hợp.




Tập luyện cần các trang thiết bị phù hợp


Trong quá trình tập luyện thể hình – fitness các trang thiết bị tập – bảo hộ chuyên dùng là điều rất quan trọng giúp cho các VĐV tăng hiệu quả tập luyện, giảm nguy cơ chấn thương.

Việc thiếu hoặc không sử dụng các trang thiết bị phù hợp sẽ dẫn đến các chấn thương đáng tiếc đôi khi nguy hiểm tính mạng. Ví dụ: nâng tạ nằm thường có thanh chặn tạ để tạ không đè lên người.

Chính vì vậy các phòng tập hiện đại cần phải được trang bị đầy đủ các thiết bị tập luyện – bảo hộ và hướng dẫn cho người tập luyện ý thức sử dụng các thiết bị trên.

7.   Tâm lý

Các chán thương đôi khi xảy ra do áp lực tâm lý quá nặng dẫn đến sự thiếu chính xác hoặc là sai sót khi thực hiện các động tác, sự căng thẳng quá mức hoặc mất tập trung đều có thể dẫn đến chấn thương hoặc thất bại đáng tiếc cho VĐV.

8.   Yếu tố môi trường

Tập luyện trong môi trường qua nóng sẽ làm cho cơ thể mất nước, điện giải dẫn đến mau mệt, đuối sức, chuột rút, choáng…

Ngược lại, nếu quá lạnh sẽ làm cơ bắp co cứng, dễ rách gân cơ khi tập luyện, dễ cảm lạnh.

9.   Dinh dưỡng và nước uống

Nước chiếm 70-80% trọng lượng cơ thể, việc mất nước sẽ làm giảm lưu lượng tuần hoàn, ứ độc tố dẫn đến hạ huyết áp gây choáng, chấn thương. Do đó phải uống nước đầy đủ trước, trong và sau khi tập luyện.

Đường huyết: là nguồn năng lượng nhanh để cung cấp cho cơ thể khi vận động, việc tập kéo dài (>30 phút) sẽ làm giảm lượng đường trong máu, cơ thể sẽ có cơ chế bù đắp nhưng thường chậm. Vì vậy cần có thêm lượng đường nhanh để bù vào lượng đã mất khi tập luyện kéo dài.





Tập luyện cần chế độ dinh dưỡng hợp lý


Việc hạ đường huyết rất nguy hiểm, VĐV sẽ mệt lả, thở dốc, vã mồ hôi lạnh, choáng, ngất..

10. Lạm dụng thuốc tăng trưởng

      Nhóm 1 gồm các thuốc nội tiết tố androgen sẽ kích thích quá trình tạo cơ bắp.

      Nhóm 1 thường bị cấm sử dụng đối với các VĐV chuyên nghiệp thi đấu. Việc sử dụng để tăng khối lượng cơ trong 1 số trường hợp cần có sự hướng dẫn của bác sỹ y học thể thao để tránh các biến chứng lâu dài như nam hóa, teo tinh hoàn, yếu sinh lý, giảm tình dục, suy tim thận, xơ vữa động mạch, đột quỵ…Khi ngưng sử dụng sẽ gấy rất nhiều hệ lụy. Đặc biệt không nên sử dụng ở người cao tuổi.

      Nhóm 2 có nhiều axit amin đặc biệt (BCAA, creatin…).

      Nhóm 2 thường được quảng cáo là tốt, an toàn, được cấp phép, thực chất chỉ là các sản phẩm công nghiệp thực phẩm – dược phẩm, có tác dụng tốt cho nhu cầu cơ thể trong tình trạng nào đó. Tuy nhiên việc quá phụ thuộc vào các sản phẩm này sẽ dẫn đến rối loạn hành vi ăn uống, thói quen ăn uống của VĐV, hậu quả lâu dài của các sản phẩm này có thể gây ngộ độc cho gan thận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nội dung khác, stay workout 365, gym, thể hình